Bạn đã từng gặp một người luôn nở nụ cười trong mọi hoàn cảnh chưa? Nhưng bạn có chắc họ thật sự ổn? Mình đã từng tin vào những nụ cười như vậy cho đến khi mình biết về hạt dẻ cười với cái tên khoa học là “trầm cảm cười”.
Khóc và cười là hai cung bật cảm xúc được thể hiện rõ ràng nhất khi chúng ta còn hít thở. Đôi khi những giọt nước mắt lại đại diện cho niềm hạnh phúc, không phải chỉ dành riêng chi nỗi buồn. Vậy còn nụ cười thì sao? Liệu nó có giống những giọt nước mắt ấy – có thể đại diện cho cả niềm vui và nỗi đau không?
Hạt dẻ cười là gì? Hội chứng những người “giả vờ ổn”
Trầm cảm cười là hội chứng tâm lý đặc biệt, khi người mắc vẫn sinh hoạt, làm việc, giao tiếp như bình thường, thậm chí rất vui vẻ và tích cực. Nhưng bên trong họ là một cuộc chiến thầm lặng với những nỗi buồn sâu sắc, cô đơn, trống rỗng mà họ không bao giờ để ai nhìn thấy.
Và điều nguy hiểm là: Người trầm cảm cười rất giỏi che giấu. Họ mỉm cười trước mặt mọi người, nhưng khi ở một mình, họ cảm thấy kiệt sức. Họ thường tư nói rằng: “Mình ổn mà”. Nhưng sự thật là họ đang chìm trong áp lực vô hình.
Trầm cảm cười còn được gọi là trầm cảm chức năng (functional depression) – vì người mắc vẫn giữ “chức năng tốt” trong xã hội, nhưng bên trong lại là một đầm lầy tối.
Cuốn sách giúp mình nhận ra những nụ cười không thật
Cuốn sách tên là “Hội chứng trầm cảm cười” – Hồng Bội Vân, một cuốn sách nhẹ nhàng, với góc nhìn tinh tế, kết hợp những lý thuyết tâm lý và câu chuyện thực tế, nhưng đủ mạnh mẽ để làm mình tỉnh thức.
Mình nhận ra, mình là một hạt dẻ cười chính hiệu, trên hành trình chữa lành bản thân mà mình đang đi, mình đã may mắn được biết đến cuốn sách này, để nhận thấy rõ sức khoẻ tinh thần của mình đang như thế nào, và học cách để mình đối diện với chúng – chính cảm xúc của mình thay vì giấu nhẹm chúng dưới một nụ cười.
Cuốn sách này nói gì?
- Những câu chuyện về những người luôn cười nhưng không hạnh phúc.
- Những dấu hiệu tinh tế của trầm cảm che giấu.
- Vì sao những người trầm cảm cười thường từ chối giúp đỡ?
- Cách để lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng họ.
Những dấu hiệu có một “hạt dẻ cười” xung quanh chúng ta

- Luôn tỏ ra vui vẻ, hoà đồng, rất ít khi chia sẻ nỗi buồn.
- Luôn nói “Tôi ổn” hoặc “Không sao đâu”.
- Dành nhiều thời gian để giúp người khác, nhưng quên chăm sóc bản thân.
- Làm việc chăm chỉ, luôn bận rộn để tránh đối diện với cảm xúc thật.
- Kiệt sức khi ở một mình, hay cảm thấy trống rỗng khi không có ai bên cạnh.
Tại sao họ giỏi nguỵ trang cảm xúc?
- Sợ làm phiền người khác
- Sợ bị đánh giá và sợ người khác biết được mình yếu đuối.
- Quen với việc giấu nỗi đau và trở thành người “mạnh mẽ” trong mắt mọi người.
Cuốn sách đã dạy mình điều gì?
Có một câu trong sách rất hay mà mình nhớ mãi: “Chúng ta không phải hòn đảo biệt lập, bởi vậy chúng ta mới tâm sự những băn khoăn, cảm xúc chất chồng với người nhà hay những người bạn đáng tin cậy, để họ hiểu hơn đấu tranh, đau khổ, và nhu cầu trong nội tâm chúng ta”.
Cuốn sách giúp mình học cách lắng nghe thật sự, học cách không vội tin vào những nụ cười và bỏ qua những điều mà bản thân có thể thấy được từ những người quanh mình.
Chúng ta không cần luôn mạnh mẽ, chúng ta xứng đáng được yêu thương dù là những lời hỏi thăm giản đơn nhất: “Bạn có thật sự đang ổn không?”
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Những ai từng mỉm cười trong nỗi buồn.
- Những ai từng gồng mình để không làm ai lo lắng
- Những ai muốn hiểu sâu hơn căn bệnh trầm cảm cười
Hoặc đơn giản chỉ là bạn muốn học cách lắng nghe và thấu cảm chính mình.
Nụ cười chưa chắc đã là hạnh phúc

Cuốn sách này như một lời nhắc ngay từ đầu mình đã nói: Khóc và cười – có thể che giấu cảm xúc như nhau không?
Và mình chắc chắn rằng: Cả hai đều có thể nguỵ trang. Nhưng nụ cười lại là cách từ chối cầu cứu, còn giọt nước mắt đôi khi lại là cách con người tìm kiếm sự cứu rỗi.
Nếu bạn đang mang trên mình một nụ cười không ổn, hãy cho phép mình được mệt mỏi, sẻ chia và được bước chậm lại. Và nếu bạn đã từng gặp ai đó như vậy, hãy ở lại lâu hơn một chút, biết đâu họ đang cần bạn nhiều hơn bạn nghĩ.
Bạn đã từng nghe về hội chứng trầm cảm cười chưa?
Bạn đã từng giả vờ ổn bao giờ chưa?
Hãy để lại câu chuyện của bạn, mình sẽ luôn ở đây để lắng nghe
