Có một kiểu nỗi sợ rất đặc biệt. Nó không đến trong những ngày ta buồn nhất, không xuất hiện khi ta thất bại, ta cũng chẳng thể nhìn thấy nó, một nỗi sợ mà ít ai gọi tên được – nỗi sợ sau cuộc vui.
Có những ngày mình vui, thật sự vui. Những buổi gặp gỡ, những chuyến đi, hay những cuộc trò chuyện với mọi người khiến mình cảm thấy mình đang sống. Những lần cười thả ga với bạn bè, với người thương, mình tưởng như mình đang rất ổn. Nhưng khi trở về nhà, với căn phòng quen thuộc, ánh đèn tắt, tiếng cười lùi lại phía sau, mọi thứ trở nên im ắng, và lúc đó là:
Nỗi sợ về tương lai và cảm giác trống rỗng sau cuộc vui.
Nỗi sợ mình đang đi sai đường khi chọn chuyển ngành với cảm giác lo lắng và bất an.
Nỗi sợ mình không đủ tốt, nỗi buồn nhẹ, lặng lẽ, nhưng day dứt.
Vì sao nỗi sợ sau cuộc vui có thể trà trộn vào ngách nhỏ trong tâm hồn?
Thật ra khi chúng ta vui, cơ thể tụi mình giải phóng dopamine – hormone tạo cảm giác hưng phấn. Và khi nó kết thúc, hormone này giảm đột ngột, để lại khoảng trống sâu hoắm – đó là điều tự nhiên khiến mình tụt mood. Nó đơn giản chỉ là phản ứng sinh học tự nhiên, nhưng luôn làm mình cảm thấy khó.
Cảm giác hứng khởi rồi sau đó chìm sâu nó không sai, chính bản thân mình cũng biết cái nỗi sợ vô hình này nó đến bằng cách nào. Cuộc vui nó chỉ tạm che đi những suy nghĩ mình luôn né tránh. Khi nó kết thúc, thì là lúc buộc mình phải quay về với chính mình, là cách mà cuộc sống nhắc mình rằng: “Ê, mày vẫn còn những điều chưa đối mặt.”
Mình Đã Từng Gồng Mình Chữa Lành
Mình từng không cho phép mình sợ hãi.
Mình cố gắng gồng lên.
Mình ép bản thân phải tích cực.
Mình đọc sách self-help liên tục.
Mình ép mình thiền, tập thể dục, làm mọi thứ để chạy trốn nỗi sợ.
Nhưng rồi mình phát hiện: càng gồng, mình càng mệt.
Mình đã từng tránh các kết nối xã hội hết mức, tránh gặp những người khi ở bên cạnh họ mình đã cười rất nhiều. Vì mình nghĩ, niềm vui đó nó sẽ làm nỗi sợ trong mình lớn hơn. Và đúng thật, nỗi sợ không biến mất. Nó như con sóng, chỉ chờ đợi những thứ nhỏ bé hơn để nuốt chửng, nhưng thật chất nó không nuốt lấy mình, mình mới là người tạo ra nó.
Mình đã làm gì khi nỗi sợ ập đến?

Minh đã chọn ở lại – ngồi yên cùng cảm xúc
Mình dừng lại.
Mình không chạy nữa. Mình cho phép nỗi sợ được tồn tại, mình chọn ngồi lại với cảm xúc đó, để bản thân chạm đáy sau mỗi lần vui mà không phán xét.
Mình ngồi yên, thở chậm, và lắng nghe.
Mình chấp nhận cảm giác lo lắng, chấp nhận tim đập nhanh, chấp nhận những suy nghĩ rối bời.
Mình viết và chia sẻ
Những nỗi lo, những điều làm mình sợ, những cảm giác trống rỗng, mình đặt nó lên những trang giấy trắng để trải lòng – để thấy nó rõ ràng, chứ không còn là một đám mây mù trong đầu nữa.
Mình chia sẻ cùng bạn thân, người mình tin tưởng, có người lắng nghe – đôi khi chỉ cần vậy thôi – chính là một dạng chữa lành.
Và mình nhận ra:
Nỗi sợ không phải kẻ thù. Nỗi sợ chỉ là một phần trong hành trình của mình. Nó nhắc mình rằng
- Mình đang đi ra khỏi vùng an toàn.
- Mình đang thật sự sống.
- Mình đang dám thử.
Nếu mình không sợ, thì có lẽ mình chỉ đang đứng yên.
Sống chung với nỗi sợ – Không cần hết sợ mới tiếp tục
Mình hiểu ra một điều quan trọng: “Không cần phải hết sợ mới đi tiếp”
Mình vẫn còn sợ, vẫn còn những ngày tụt mood sau cuộc vui.
Mình vẫn có những buổi tối nghĩ về tương lai và cảm thấy lo lắng.
Nhưng mình vẫn tiếp tục
Vẫn học.
Vẫn thử.
Vẫn sống.
Mình bước tiếp cùng với nỗi sợ, không cần phải chiến thắng nó.
Nếu bạn cũng mang những nỗi sợ này…
Nếu bạn cũng đang chuyển ngành.
Nếu bạn cũng từng tự trách vì mình quá yếu đuối.
Mình mong bạn biết rằng:
- Bạn không cần phải vội vàng chữa lành.
- Bạn không cần phải gồng mình để tỏ ra mạnh mẽ.
- Bạn chỉ cần ở lại với chính mình – đủ lâu.
Nỗi sợ sau những cuộc vui là cảm giác rất thật mà nhiều người trải qua, bạn có thể vẫn sợ và vẫn sống trọn vẹn.
Và như vậy, là đủ rồi.